Giới thiệu bộ sách: Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo

  • 08/04/2025
  • 86
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe



Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo  Hoàng Lại Giang. - H : Chính trị Quốc gia Sự thật, 2022.

Quý độc giả thân mến! Bộ sách Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo do tác giả Hoàng Lại Giang biên soạn, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành năm 2022, là một bộ sách đặc biệt, khắc họa chân thực và toàn diện về cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bộ sách gồm 3 tập, mỗi tập tái hiện một giai đoạn quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng, phụng sự nhân dân của ông, đồng thời làm nổi bật “trí tuệ” và “sáng tạo” trong giải quyết nhiều vấn đề lớn lao, đem lại lợi ích cho đất nước và nhân dân từ thời k kháng chiến, đến thời kỳ hòa bình, đổi mới và hội nhập. Có thể tóm tắt những thành tích, công lao to lớn của ông được nhắc đến trong quyển sách như sau:

          Tập I: Từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đến ngày ký Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam. Tập này tái hiện hoạt động cách mạng của ông từ thời thiếu niên đến khi trở thành một chiến sĩ cách mạng chân chính, tài năng. Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân. Ông tham gia cách mạng từ khi còn là cậu thiếu niên 16 tuổi ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông làm liên lạc, rải truyền đơn và nhiều hoạt động khác tại địa phương, được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Ông có tinh thần yêu nước và bản lĩnh cách mạng kiên cường, dù bị Pháp bắt giam và tra tấn nhưng không hề khuất phục. Ông có tư duy sáng tạo trong việc xây dựng và sử dụng các mạng lưới bí mật trong lòng dân để phát triển phong trào cách mạng ở miền Nam. Thêm vào đó, tầm nhìn chiến lược của một thủ lĩnh cách mạng cũng được hình thành trong giai đoạn này, khi ông nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đoàn kết dân tộc và gắn bó chặt chẽ với nhân dân, đây cũng là nền tảng tư tưởng xuyên suốt trong sự nghiệp của ông sau này, nhất quán với quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Tập II: Từ Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam đến ngày 30/4/1975. Giai đoạn này, đồng chí Võ Văn Kiệt hoạt động cách mạng trong bối cảnh đất nước bị chia cắt sau Hiệp định Giơnevơ (1954) cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối (30/4/1975). Giai đoạn này, ông giữ nhiều trọng trách quan trọng như Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Thường trực Trung ương Cục miền Nam. Giai đoạn này ông đã thể hiện tài năng lãnh đạo xuất sắc và sáng tạo khi chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Ông nổi bật với khả năng tổ chức lực lượng chiến đấu trong điều kiện đặc biệt, đó là tổ chức lực lượng và mạng lưới dày đặc ở đô thị Sài Gòn (trong khi nhiều nhà lãnh đạo khác xây dựng lực lượng tại nông thôn), tổ chức ngay trong lòng địch, vì khi đó Sài Gòn là “thủ phủ” của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và quân Mỹ. Sự sáng tạo này đã tạo tiền đề to lớn để tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh việc giảm thương vong, tổn thất cho dân thường, điều này thể thiện tư tưởng nhân văn sâu sắc hiếm thấy trong thời chiến tranh. Ông cũng đã trực tiếp chỉ đạo cứu trợ người dân trong vùng chiến sự.

          Tập III: Thực tiễn và sáng tạo. Tập sách này tái hiện chặng đường hoạt động đầy năng động và sáng tạo, dám nghĩ, dám hành động của đồng chí Võ Văn Kiệt từ sau ngày thống nhất đất nước 1975 đến khi ông thôi giữ các chức vụ lãnh đạo. Giai đoạn này ông giữ các chức vụ như Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (sau này là Thủ tướng Chính phủ), và được xem là một trong những kiến trúc sư chính của công cuộc đổi mới. Ông đưa ra các quyết sách đột phá như: Triển khai xây dựng dự án đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam, mang ý nghĩa chiến lược phát triển kinh tế thống nhất toàn quốc (dù thời điểm đó rất nhiều người ngăn cản); thúc đẩy kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mạnh dạn phá bỏ cơ chế bao cấp, khuyến khích kinh tế tư nhân, mở cửa hội nhập quốc tế (gia nhập ASEAN 1995, tham gia ASEM 1996); phát triển giáo dục (thành lập Đại học Quốc gia); khai phá vùng Đồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên, biến vùng này từ hoang hóa trở thành vựa lúa lớn nhất toàn quốc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

          Bộ sách không chỉ tái hiện lại tiểu sử, sự nghiệp cao cả của cố Thủ tướng Võ Văn kiệt mà còn phân tích sâu sắc trí tuệ và tài năng của ông, những cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển, đổi mới đất nước. Bộ sách Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo đang được trưng bày tại Thư viện tỉnh Kiên Giang, kính mời quý độc giả đến tham quan và tìm đọc./.

  • Tú Mi