Giới thiệu quyển sách: Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam

  • 21/04/2025
  • 58
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe



Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam  Ngô Đức Thịnh. - H : Hồng Đức, 2022. 334 tr; 24 cm.

Quý độc giá thân mến! Khi nói về văn hóa của một quốc gia, một vùng miền, không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực của quốc gia, vùng miền ấy. Ở nước ta, ẩm thực từ lâu đã được xem là một nét văn hóa đặc trưng, với nhiều món ngon không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn bè quốc tế. Ẩm thực của người Việt Nam không chỉ là những món ăn hằng ngày mà còn là nét văn hóa hình thành lâu đời trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Thêm vào đó, đất nước ta trải dài, hình thành nên nhiều vùng miền có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng với nhiều dân tộc anh em có bản sắc văn hóa riêng, hình thành nên bản sắc văn hóa Việt Nam, vì vậy mỗi vùng miền lại có những món ăn đặc trưng, những đặc sản riêng không thể hòa lẫn. Tác giả Ngô Đức Thịnh đã dày công nghiên cứu, đã đi khắp các vùng miền để tìm hiểu, thưởng thức ẩm thực và biên soạn thành quyển sách đặc sắc Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam. Sách dày 334 trang, in trên khổ 24cm, do Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành năm 2022.

Quyển sách bao gồm ba phần, mỗi phần lại được chia thành nhiều chương với nội dung rất đa dạng, phong phú, bao gồm hầu hết các vấn đề liên quan đến ẩm thực của Việt Nam từ xưa đến nay, từ Bắc tới Nam, từ cao nguyên đến đồng bằng, từ núi rừng đến vùng duyên hải. Nội dung chính của từng phần như sau:

Phần thứ nhất: Ẩm thực và các vấn đề chung. Phần này tác giả đưa ra các dẫn chứng về quá trình hình thành và phát triển của ẩm thực Việt Nam, từ nền văn minh Hòa Bình cổ xưa (ăn ốc), cho đến nền văn minh lúa nước (ăn củ, bầu bí và lúa), ăn gạo nếp, gạo tẻ và ăn ngô. Ẩm thực thể hiện nét văn hóa, phản ánh lối sống, tư duy và điều kiện tự nhiên của con người.

Phần thứ hai: Ẩm thực truyền thống của dân tộc Việt (Kinh). Phần này được xem như trọng tâm của tác phẩm, gồm 5 chương, với rất nhiều thông tin thú vị về nghệ thuật ẩm thực của người Việt ở từng vùng cụ thể. Tác giả hướng dẫn về kinh nghiệm chế biến thức ăn, cách sử dụng gia vị và hương vị trong bữa ăn hàng ngày cũng như trong các dịp lễ hội, đám tiệc, bao gồm nhiều món ăn đặc trưng, khẩu vị của từng vùng miền. Ở miền Bắc, thường ăn vị thanh đạm, nhẹ nhàng với các món đặc trưng như bún chả, bánh cuốn, chả cá Lã Vọng, phở Hà Nội…Trong khi đó, người dân miền Trung lại chuộng gia vị đậm đà, cay nồng, mang dấu ấn cung đình Huế với các món nổi tiếng như bún bò Huế, mắm ruốc, bánh bèo Ngự Bình, các loại chè, mè xửng; vùng Nghệ An lại nổi tiếng với các món như cháo lươn thành Vinh, tương Nam Đàn; xứ Quảng lại nổi tiếng với nhiều món như mì Quảng, cá bống sông Trà, các món ăn đặc sắc của người Hội An. Còn ở miền Nam, thích vị ngọt, đa sắc thái do ảnh hưởng từ văn hóa Chăm, Khmer, Hoa với các món ăn đa dạng như cơm tấm, lẩu mắm, bánh xèo, bánh khọt, thịt heo kho nước dừa, ốc bươu xào dừa, chuột quay, lươn om dừa, kẹo dừa Bến Tre… và đặc biệt phải kể đến các món nhậu đa dạng của người Nam Bộ, đặc biệt là vùng Tây Nam bộ.

Phần thứ ba: Ẩm thực truyền thống của các dân tộc thiểu số. Phần này giới thiệu nhiều món ăn đặc sắc gắn liền với văn hóa của 53 dân tộc thiểu số sống trải dài khắp từ Bắc đến Nam. Ví dụ như dân tộc Thái (Tây Bắc) nổi tiếng với các món như cơm lam, thịt gác bếp, gia vị mắc khén; dân tộc Tày, Nùng có các đặc sản như lợn quay lá mắc mật, bánh chưng đen; người Ê đê, Ba Na (Tây Nguyên) lại có các món truyền thống, thu hút nhiều du khách như gà nướng, canh lá bép, rượu cần; dân tộc Chăm (miền Nam) lại có các món như bánh tét nhân ngọt, cá nướng trui…

Cấu trúc quyển sách thể hiện cách tiếp cận độc đáo của tác giả Ngô Đức Thịnh trong việc nghiên cứu ẩm thực Việt Nam. Đó thực sự là một công trình nghiên cứu toàn diện từ lý thuyết chung đến giới thiệu từng món ăn cụ thể của từng vùng miền, dân tộc, phản ánh tư duy nghiên cứu của ông không chỉ về món ăn mà đi sâu vào ý nghĩa văn hóa, lịch sử và xã hội. Qua đó, tác giả nhấn mạnh sự đa dạng, độc đáo về văn hóa ẩm thực nói riêng cũng như bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam không chỉ là một tài liệu tham khảo bổ ích mà còn là một cẩm nang cần thiết cho độc giả yêu ẩm thực nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Quyển sách hữu ích này đang được trưng bày tại Thư viện tỉnh Kiên Giang, kính mới quý độc giả đến tham quan và tìm đọc./.

  • Tuyết Trân