Giới thiệu quyển sách: Nhân văn Võ Nguyên Giáp

  • 08/05/2025
  • 144
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe



Nhân văn Võ Nguyên Giáp  Đông Phương s.t., b.s. - H : Dân trí, 2022. 199 tr; 19 cm.

Quý độc giả thân mến! Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta chống lại quân xâm lược Pháp, Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam - luôn là biểu tượng sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng, một vị tướng kiệt xuất, bậc thầy của chiến tranh nhân dân Việt Nam, người đã đóng góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Khi đất nước hòa bình, độc lập, Đại tướng vẫn luôn là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất đạo đức trong sáng, hết lòng yêu nước, thương dân; toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; được nhân dân suy tôn là “Vị tướng của nhân dân”.

Cuốn sách “Nhân văn Võ Nguyên Giáp” được biên soạn gồm những bài viết, bài nghiên cứu của nhiều tác giả về cuộc đời hoạt động, phương châm sống, làm việc vì con người, vì nhân dân của Đại tướng. Với cán bộ, chiến sĩ dưới quyền, ông như một người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi. Những câu chuyện, hồi ức, kỷ niệm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ từng công tác, làm việc, tiếp xúc với Đại tướng sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về những giá trị cao đẹp, chất “Văn” của vị tướng võ. Sách dày 199 trang, in trên khổ 19 cm, do Nhà xuất bản Dân Trí phát hành năm 2022.

Tính nhân văn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thể hiện rất rõ trong phương châm đánh giặc của Đại tướng trong suốt cuộc trường chinh. Đại tướng luôn luôn coi trọng và đặt tính mạng của cán bộ, chiến sĩ lên hàng đầu. Trên cương vị là Tổng Tư lệnh quân đội, Đại tướng luôn yêu cầu toàn quân quán triệt tinh thần
“phải giành bằng được chiến thắng ở mức cao nhất đi đôi với việc giảm xuống mức thấp nhất sự hy sinh xương máu của tướng sĩ”. Đại tướng cũng thường xuyên căn dặn cán bộ, chỉ huy: “Chiến tranh không phải là vấn đề thể diện, không được phiêu lưu, mạo hiểm, không cho phép đánh đổi bằng bất cứ giá nào. Một người chỉ huy giỏi là một người đánh thắng kẻ thù nhưng ta thương vong thấp nhất, đổ xương máu ít nhất. Sinh mạng của con người là vô giá và không gì có thể bù đắp nổi nỗi đau mất mát trong chiến tranh”.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Đại tướng đã nhiều đêm trăn trở và quyết định thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, điều này đã mang đến thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đồng thời bảo toàn sinh lực của lực lượng chủ lực quân đội ta. Về sau này, Đại tướng cho biết, đây là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời của Đại tướng. Đại tướng Lê Trọng Tấn đã nêu rõ: “Nếu không có quyết định thay đổi phương châm thì phần lớn cán bộ chúng tôi đã không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

Không những thương yêu nhân dân Việt Nam, Đại tướng còn thương xót, cảm thông cho binh lính bên kia chiến tuyến. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng đã cho cứu chữa, điều trị thương cho binh lính Pháp. Một nữ tù binh Pháp sau khi được phẫu thuật cứu sống kịp thời đã thốt lên: “Cha mẹ tôi đã sinh ra tôi, nhưng chính nhân dân và quân đội Việt Nam mới thực sự đã cứu sống tôi lại”. Chính vì vậy mà nhiều người tham chiến, từ các tướng lĩnh Pháp đến các binh lính Âu, Phi… đều dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp sự kính trọng và khâm phục đặc biệt.

Khi được hỏi: “Vị tướng nào trong chiến tranh được Đại tướng đánh giá cao nhất?” Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiêm tốn trả lời: “Các vị tướng dù có công lao to lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ…Vị tướng tôi đánh giá cao nhất là Tướng Nhân Dân”.

Còn rất nhiều câu chuyện cảm động và ý nghĩa thể hiện tình yêu hòa bình, lòng nhân đạo cao cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ôn lại những kỷ niệm về Đại tướng, thêm một lần nữa để khẳng định rằng, Đại tướng sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam.

Quyển sách Nhân văn Võ Nguyên Giáp đang được trưng bày và giới thiệu tại Thư viện tỉnh Kiên Giang, kính mời quý độc giả đến tham quan và tìm đọc./.

  • Tú Mi