
Việt Nam đẹp
nhất tên Người Vũ Kỳ, Sơn Tùng, Vũ Anh... ; Khánh Linh tuyển chọn. - H
: Lao động, 2018. 257tr; 21cm.
Quý độc giả
thân mến! Với mong muốn phổ biến đến đông đảo bạn đọc về tấm gương đạo đức,
phong cách của Bác Hồ vĩ đại, Nhà sách Tân Việt phối hợp với Nhà xuất bản Lao động,
xuất bản bộ sách “Tủ sách rèn luyện nhân cách sống”, bao gồm 10 quyển sách viết
về Bác. Cuốn sách Việt Nam đẹp nhất tên Người là một trong 10 quyển của bộ sách
ấy, nội dung bao gồm 60 câu chuyện kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác,
từ khi còn là một thanh niên ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi trở thành vị
lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Qua mỗi câu chuyện, độc giả sẽ cảm nhận sự vĩ đại,
giản dị, lòng yêu nước, thương dân, nhân cách cao quý, tài năng xuất chúng và
nhiều đức tính cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sách dày 257 trang, in trên khổ
21 cm, do Nhà xuất bản Lao động phát hành năm 2018.
Quyển sách kể
lại câu chuyện “Hai bàn tay” mà không ít độc giả đã từng được đọc, được nghe kể
lại. Câu chuyện kể về Bác Hồ lúc là một thanh niên, tên Nguyễn Tất Thành. Năm
1911, Nguyễn Tất Thành cùng người bạn tên Lê đi dạo ở Sài Gòn. Nguyễn Tất Thành
đã hỏi anh Lê có yêu nước không và bày tỏ ý định muốn đi ra nước ngoài để tìm
hiểu phương pháp cứu nước. Anh Lê lo lắng vì không có tiền, Nguyễn Tất Thành liền
giơ hai bàn tay ra và nói: “Đây, tiền
đây! Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì mà sống và để đi”. Người
bạn đồng ý, tuy nhiên đến sáng hôm sau thì không can đảm để thực hiện. Nguyễn Tất
Thành đã dùng hai bàn tay trắng của mình, làm đủ mọi công việc khác nhau, từ
sáng sớm đến tận khuya để sống và thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Câu chuyện
là một bài học quý giá về tinh thần dấn thân, dám nghĩ, dám làm, không ngại mọi
khó khăn, gian khổ của Bác Hồ khi còn trẻ để thực hiện ước mơ vĩ đại của cuộc đời,
đem lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Bác Hồ là một
lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng lại là một người giản dị, gần gũi với mọi tầng
lớp nhân dân. Câu chuyện “Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước” thể hiện rất rõ đức
tính này của Bác Hồ kính yêu. Chuyện kể về lão già tên Thuyết, bị mù lòa nhiều
năm, tính tình trầm ngâm, ít nói. Bỗng một hôm vào năm 1946, ông hoạt bát, vui
hẳn lên khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước tại bến cảng Hải Phòng. Ông bảo
với đứa cháu là ông từng là bạn thân của anh Ba (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh
lúc ở Pari) lúc cùng làm việc tại Pari, nước Pháp. Đứa cháu không tin nhưng vẫn
dắt ông ra đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh bộ đội kiên quyết không cho hai ông
cháu vào nhưng thấy sự quyết tâm và chân thật của cụ già nên anh vào báo cáo
Bác và được Bác cho phép mời hai ông cháu vào. Vừa gặp ông Thuyết, Bác đã nắm
chặt bàn tay cụ Thuyết và thân mật bảo: “Anh
Thuyết đấy à, lâu lắm chúng ta mới lại được gặp nhau”. Ông già Thuyết cảm động
quá, miệng lắp bắp: “Hồ Chủ…” nhưng
Bác Hồ đã ngăn ông Thuyết lại và nói: “Đừng
xưng hô như thế, cứ gọi tôi là Ba như ngày trước”. Sau đó, Bác dắt hai ông
cháu về phòng nghỉ của mình.
Những câu chuyện
khác trong quyển sách cũng chứa đựng những bài học sâu sắc, thực tế xung quanh
đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả, vĩ đại của Bác Hồ. Đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sáng ngời mà toàn Đảng, toàn dân không ngừng
học tập, noi theo gương Bác để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, hạnh
phúc.
Quyển sách Việt
Nam đẹp nhất tên Người đang được trưng bày và giới thiệu tại Thư viện tỉnh
Kiên Giang, kính mời quý độc giả đến tham quan và tìm đọc./.