
Con
đò của mẹ / Bùi Vũ Minh. - H : NXB
Sân khấu, 2024. - 334 tr; 21 cm.
Quý độc giả thân mến!
Người ta vẫn thường hay
nói với nhau rằng sống chết có số. Liệu bạn có tin vào số phận?
Với Bùi Vũ Minh thì việc
ông mang nghiệp cầm bút, trở thành một nhà biên kịch là do số phận. Tác giả đã
từng viết rằng: “Tôi sinh ra không phải để
làm nghệ thuật. Cũng không được học hành để làm nghệ thuật và hình như cũng
không có năng khiếu để làm nghệ thuật ... Tôi chỉ đam mê khi hưởng thụ nghệ thuật
mà thôi… nhưng không may hoặc là may mắn
thì tôi cũng chẳng rõ, tôi được quen biết, giao du với các bậc tài danh trong
nghệ thuật sân khấu. Thế là, tôi như bị mộng du mà đi vào nghề, người ta bảo: Đấy
là số phận”.
Nhiều kịch bản sân khấu
của Bùi Vũ Minh được dàn dựng và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Năm
2024, nhà xuất bản Sân khấu đã tập hợp 06 kịch bản sân khấu của ông để phát
hành cuốn sách mang tên “Con đò của mẹ” với ba kịch bản kịch nói (Hố đen, Con
đò của mẹ, Những linh hồn được giải tỏa) và ba tích chèo (Linh từ Quốc mẫu, Hết
quan hoàn dân, Ván cờ oan trái). Sách “Con đò của mẹ” dày 334 trang được in
trên khổ 21cm.
Kịch bản “Hố
đen” do Nhà hát Kịch Quân đội biễu
diễn và đạt Huy chương vàng tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu Kịch nói
chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021. Vở diễn giúp chúng ta nhìn thấy những thói hư
tật xấu, sự biến chất suy thoái về chính trị, tư tưởng của một bộ phận nhỏ cán
bộ, đảng viên hiện nay. Đồng thời ca ngợi, biểu dương tinh thần đấu tranh, dám
nghĩ, dám bài trừ tiêu cực của những tập thể, cá nhân gương mẫu trong sự nghiệp
xây dựng đất nước hiện nay.
Kịch
bản “Con đò của mẹ” được nhiều đoàn kịch dàn dựng và đạt giải cao trong những
năm 1995 - 1996 và năm 2021 vở kịch được Nhà hát Nghệ thuật Công an nhân dân diễn đạt Huy chương vàng Liên hoan nghệ thuật sân khấu
Kịch nói năm 2021. Đây là câu chuyện ngợi ca về tình yêu quê hương vô bờ bến,
tinh thần tự hào dân tộc; sự hy sinh của người vợ, người mẹ trong những năm
tháng chống giặc ngoại xâm. Người mẹ ấy phải chịu những nỗi đau, những tủi hờn;
một mình nuôi con khôn lớn, trưởng thành để
chồng hoạt động tình báo trong lòng địch. Khi lớn lên, người con ấy lại tiếp bước
cha rồi hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Kịch bản “Những linh hồn
được giải tỏa” cũng được các đoàn kịch dàn dựng vào năm 2008. Năm 2011, được nhà
hát Chèo Thái Bình (đổi tên thành vở “Đất làng”) đạt Huy chương Vàng Hội diễn Chèo
đề tài hiện đại. Câu chuyện kể về ngôi làng của người lính đã cùng họ đi qua
năm tháng chiến tranh. Ngôi làng hôm nay đang được xây dựng, phát triển đi lên
trong giai đoạn mở cửa hội nhập với thế giới. Đất đai của làng được quy hoạch,
giải tỏa và dền bù. Hứa hẹn diện mạo làng quê sẽ thay đổi, người dân nơi đây sẽ
được lên đời. Từ đó, một số người cho rằng: Cái thước đo xã hội của họ bây giờ
là tiền nên họ bất chấp đúng sai để có tiền, để kiếm tiền nhưng vẫn còn đâu đó
thế hệ cha ông, những cựu chiến binh đã giúp người dân nơi đó nhận ra rằng “Đừng
để mất lòng tin. Nếu mất, khó sống lắm. Phải tin rằng vẫn còn nhiều người trong
sạch, nhiều người vẫn phấn đấu cho sự công bằng của xã hội. Phấn đấu để xã hội
này tốt đẹp hơn”. Và văng vẳng đâu đây, câu nói của cụ Phong nói với đứa
con trai đại gia của mình:“Nghèo một tý
nhưng bình yên, chứ không phấp phỏng lo lắng như bây giờ. Ngồi trên một đống tiền
mà không yên ổn thì cũng chẳng sướng gì”. Lời thoại của các nhân vật trong
kịch bản chính là tâm tư, là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm với chúng ta,
đó là “…Làm gì thì tùy nhưng phải đặt
lòng dân lên trên hết. Lịch sử của mảnh đất này đã trải qua hàng nghìn đời, triều
đại nào biết lấy dân làm trọng thì mới vững được” hay “Lòng tham làm con người tối tăm mặt mũi, rũ bỏ thật khó lắm… Nhưng đến
khi chết, chẳng ai mang theo mình được cái gì đâu, từ nhà lầu, xe hơi, vàng bạc
châu báu cho đến cả những người thân. Đến lúc đứng trước trời và đất, chỉ còn lại
Phúc và Tội thôi”.
Kịch bản chèo “Linh từ
Quốc mẫu” được nhà hát chèo Hà Nội dàn dựng và đạt Huy chương Vàng tại Liên
hoan nghệ thuật Chèo toàn quốc năm 2022. Đây là vở diễn
viết về nỗi đau, sự hi sinh cũng như những đóng góp của nhân vật chính -
bà Trần Thị Dung trong việc gây dựng triều Trần sau khi triều Lý suy tàn.
Từ một cô gái tuổi trăng tròn, Trần Thị Dung được rước về cung trở thành Nguyên
Phi. Do sự biến đổi của thời thế, bà nhiều lần thay đổi ngôi vị: Trần
Nguyên Phi - Trần Ngự nữ - Thuận Trinh phu nhân - Trần
Hoàng hậu - Trần Thái hậu - Công chúa Thiên Cực và cuối cùng được truy phong thụy
hiệu là Linh từ Quốc mẫu. Bà từng bị
Đàm Thái hậu trù dập, mưu giết, giáng xuống làm công chúa Thiên Cực, gả
cho Thái sư Trần Thủ Độ nhưng những việc làm của bà trước sau đều vì sự tồn tại và phát triển
cơ nghiệp của nhà Trần. Cuộc
đời của Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung gắn chặt với sự chuyển đổi quyền lực từ nhà
Lý sang nhà Trần.
Kịch bản chèo “Ván cờ
oan trái” được phóng tác theo truyện “Nhị Khanh” trong sách “Nam Hải dị nhân” của
Phan Kế Bính do Nhà hát chèo Hưng Yên biểu diễn giành được giải thưởng Đào Tấn (giải thưởng do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn
hóa Dân tộc phối hợp với Tạp chí Văn hiến Việt Nam khởi xướng từ năm 2000) cho
vở diễn xuất sắc năm 2022. Vở chèo kể về chàng trai Trọng Kỳ. Kỳ là con quan tổng trấn. Vì mê cờ bạc, Kỳ đã
làm cha chết vì nhục nhã, uất hận. Mẹ và vợ (Nhị Khanh) bị đẩy đến cảnh khốn cùng. Nhờ
tình yêu và sự hiếu thảo, hy sinh của vợ, Kỳ đã chăm chỉ học, thi đỗ trạng
nguyên, cầm quân dẹp giặc và sau khi trở về quê hương, Kỳ đã trừng trị bọn cường
hào, ác bá.
Kịch bản chèo “Hết quan
hoàn dân” được Nhà hát chèo Hưng Yên dàn dựng năm 2019. “Hết quan hoàn dân” là
thể loại chèo dân gian, được Ban Tổ chức Liên hoan Chèo toàn quốc 2019
trao giải về đề tài chống tiêu cực.
Các kịch bản của Bùi Vũ Minh “gợi mở nhiều vấn đề của xã hội, cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh
và cả những mất mát do chiến tranh vẫn lặn sâu, đằng đẵng trong từng phận người.
Những cái giá rất lớn mà thế hệ cha ông đã phải đánh đổi bằng máu xương để có
cuộc sống hòa bình hôm nay”.
Thân mời quý độc giả
tìm, đọc “Con đò của mẹ” tại Thư viện tỉnh
Kiên Giang./.