Giới thiệu sách: Truyện kể các Trạng Việt Nam

  • 24/02/2025
  • 79
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe



    Truyện kể các trạng Việt Nam  Sưu tầm và tuyển chọn: Quang Lân. - Hà Nội : Dân trí, 2020. 189tr; 21cm

    Quý độc giả thân mến! Với lịch sử tồn tại gần 9 thế kỷ, nền Khoa cử Nho học Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài trong việc chọn ra hiền tài cho đất nước. Trong đó, Trạng nguyên là danh hiệu thuộc học vị Tiến sĩ của người đỗ đạt cao nhất và là người đã vượt qua 3 kỳ thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình. Họ được người đời kính phục, ngưỡng mộ, là khuôn mẫu cho các thế hệ sau noi theo vào học tập. Cuốn sách “Truyện kể các Trạng Việt Nam” gửi đến bạn đọc chân dung của một số vị Trạng nguyên, góp phần giúp bạn đọc hiểu thêm được phần nào công trạng của họ.

    Quyển sách “Truyện kể các Trạng Việt Nam” dày 189 trang, in trên khổ 21cm, do Quang Lân sưu tầm và tuyển chọn, được nhà xuất bản Dân Trí phát hành năm 2020. Sách là tập hợp  những câu chuyện, giai thoại thú vị về các Trạng, đan xen giữa hư và thực, huyền tích và lịch sử được lưu truyền bao đời nay.

    Quý độc giả thân mến! Lịch sử khoa cử Nho học nước ta đã trải qua 844 năm, kể từ khoa thi đầu tiên năm Ất Mão (1075) đến khoa thi cuối cùng được tổ chức vào năm Kỷ Mùi (1919). Trong khoảng thời gian đó, các triều đại phong kiến đã mở được 185 khoa thi, lấy đỗ 2.898 vị đại khoa nhưng chỉ có 47 người giành được học vị Trạng Nguyên. Các vị Trạng nguyên, khi ra làm quan, các vị hết thảy đều phò vua giúp nước, hầu hết đã trở thành những danh thần, lương tướng đem trí tuệ và tài năng của mình cống hiến cho xã hội. Khi mất đi, họ để lại danh thơm muôn thuở, được triều đình truy tặng tước vị, được nhân dân lập đền miếu phụng thờ. Như câu chuyện về Trạng Hiền – Nguyễn Hiền, ông là Trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong các trạng nước ta, từ lúc ông mới mười ba tuổi. Ông quê ở tỉnh Nam Định, lúc nhỏ học đâu nhớ đó, đọc qua mắt một lượt là nhớ ngay. Năm ông 11 tuổi đã nổi tiếng thần đồng, 13 tuổi đỗ Trạng Nguyên, vì còn thiếu niên, chưa biết đủ phép tắc, vua cho về quê ba năm tu dưỡng. Về sau ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Công, được vua trọng dụng và cử đi sứ Nguyên vài lần, không được bao lâu thì ông mất, vua thương tiếc vô cùng, cho về quê an táng, cấp cho năm mẫu ruộng tư điền và truyền cho dân nơi đây lập miếu thờ ông.

    Ngoài những ông Trạng thực sự có tấm bảng vàng, đỗ đạt có năm tháng, có quê quán ghi rõ trong phần Khoa mục chí của sử sách các đời; ở nước ta còn có các Trạng không thuộc đệ nhất giáp hoặc đệ nhất danh ở kỳ thi Đình nhưng được dân gian phong và ghi nhớ qua các cổ tích thế sự. Mặc dù ngay tên gọi các Trạng này đọc lên cũng đã khác người, khó tin song không dễ dàng chối bỏ hay phủ nhận những giai thoại về họ như Trạng Ăn, Trạng Cờ… hoặc những nhân vật có thực được tô đậm và thêm thắt theo tình cảm, trí tưởng tượng của dân gian như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Trạng Khiếu…

    Câu chuyện “Trạng Ăn Lê Như Hổ” là một trong những câu chuyện về giai thoại dí dỏm của ông Trạng nhà nghèo mà học giỏi, ăn khỏe nên có thân hình cao lớn vạm vỡ. Mỗi buổi ăn, ông ăn một nồi, mà đáng lẽ dành cho mười người ăn, nhưng ông vẫn không đủ no, nên được gọi là Như Hổ. Cha mẹ ông không đủ khả năng nuôi ông nên phải cho Lê Như Hổ gửi rể một nhà giàu có trong làng. Ở nhà vợ, ông ăn ít lại không dám đòi thêm, sợ phiền lòng cha mẹ vợ. Vì thế, ông không mạnh nên việc học hành có hơi lơ đãng. Cha mẹ vợ ý kiến phàn nàn với cha mẹ của ông và có phần thất vọng về chàng rể tương lai này, sau nhiều lần hiểu lầm với những tình huống hài hước, và rồi khi hiểu được sự tình, mẹ vợ đã nấu riêng thêm phần ăn cho con rể ăn đủ no thì quả thật Lê Như Hổ học hành không biết mệt, lại còn khỏe mạnh phi thường, một mình ông gánh hết chuyện ruộng nương trong nhà. Từ đó, bố mẹ vợ Lê Như Hổ hết sức quý mến ông. Ông vừa giỏi võ, vừa văn hay, từ ngày được bố mẹ vợ cho ăn no, ông học hành tấn tới. Năm ba mươi tuổi, ông đỗ tiến sĩ trong thời Quang Hòa nhà Mạc. Về sau, ông làm đến chức Thượng thư, được vua phong làm Thiếu bảo Lữ quốc công.

    Quyển sách “Truyện kể các Trạng Việt Nam” còn tập hợp rất nhiều các câu chuyện hay về các Trạng nguyên. Sách hiện đang được trưng bày và phục vụ tại Thư viện tỉnh Kiên Giang. Thân mời quý độc giả đến tham quan để tìm hiểu thêm về các Trạng nguyên qua các triều đại phong kiến ở nước ta.

  • Tuyết Trân