Giới thiệu sách: Vương Quyền

  • 15/04/2025
  • 54
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe



        Vương Quyền :  Kịch bản sân khấu / Trịnh Bích Ngân. - H : NXB Sân khấu, 2024, - 270 tr; 21 cm.

Là một cây bút đa năng, nhà văn Trịnh Bích Ngân không chỉ viết truyện ngắn, truyện hài, tiểu thuyết và thơ mà chị còn là nhà biên kịch với nhiều kịch bản như Đất không cưu mang, Vương quyền, Dòng xoáy nghiệt ngã, Những hòa âm dang dở, Gương mặt kẻ khác… Hầu hết, các kịch bản của chị đều đạt giải trong đó có kịch bản về đề tài lịch sử tên “Vương quyền”.

Để thể hiện quan điểm của nhà biên kịch Trịnh Bích Ngân về nhân sinh quan, về cái đạo của người làm vua, làm quan và cái đạo của người cầm bút, làm nghệ thuật; năm 2024 nhà xuất bản Sân khấu đã chọn 04 kịch bản về đề tài lịch sử của chị gồm Vương quyền, Vương thành, Vương hậu và Phiên xử trước nhà Thái Miếu, in chung trong một cuốn sách mang tên “Vương quyền”. Sách dày 270 trang được in trên khổ 21cm.

Kịch bản “Vương quyền” đạt Giải B của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2020 (không có giải A) được chuyển thể, dàn dựng trên sân khấu, công chiếu lần đầu tiên vào tháng 9/2022. Kịch bản được cảm tác từ tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai, là câu chuyện xoay quanh những nhân vật có quyền của vương triều nhà Nguyễn. Cụ thể là vua Gia Long, vua Minh Mạng cùng với các phi tần, thái tử, đại thần đương triều và một số người có liên quan. Nhân vật chính của vở kịch là Tổng trấn Gia Định thành - Đại thần Lê Văn Duyệt. Ông không ủng hộ việc Minh Mạng lên ngôi khi Gia Long sắp băng hà mà ủng hộ Hoàng Tôn Đán. Sau khi lên ngôi, thái hậu và vua Minh Mạng ép ông phải dìm chết Tống Thị Quyên (mẹ Hoàng Tôn Đán). Do không thể trái lệnh vua nên sau khi sát hại Thái tử phi, ông đau đớn giày vò thân xác và định kết liễu bản thân nhưng vợ ông nài nỉ, van xin ông tiếp tục sống vì ông cần cho dân, cần cho thành Gia Định, cần cho phương Nam và cả Đại Nam. Thông qua phẩm cách, số phận của Lê Văn Duyệt và bi kịch từ vụ án Tống Thị Quyên sẽ giúp độc giả thấy rõ nhưng góc khuất tối tăm bởi tham vọng quyền lực của một vương triều. Thông điệp của tác phẩm được gửi gắm qua những câu thoại giữa Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng “ Quá khứ không minh bạch thì tương lai không thể nào sáng tỏ được” hay “Đã làm người, tức là phải có trách nhiệm. Là một đại quan càng phải biết chịu trách nhiệm… Đó còn là trách nhiệm trước bá tánh và hậu thế”.

Kịch bản “Vương thành” được tác giả hoàn thành vào cuối năm 2021. Nhân vật chính là vị hoàng đế sáng lập nhà Tiền Lê nước Đại Cồ Việt. Câu chuyện bắt đầu từ một đêm thao thức khó ngủ (trước khi mất khoảng 2 năm) của Thiên Phúc hoàng đế Lê Hoàn. Trong cuộc trò chuyện với Nguyễn Đê, Lê Hoàn đã chân thành bộc bạch về quá trình trở thành vua Đại Cồ Việt cho đến khi nhận ra Nguyễn Đê là con trai của Nguyễn Bặc (người bị nhà vua ra lệnh hành quyết vì dám đối đầu với vua). Chính tình huống này, Lê Hoàn nhận ra rằng bản thân phải vượt lên sự hận thù riêng tư bởi bất cứ  vị vua của triều đại nào cũng phải xây dựng và bảo vệ được vương thành của mình. Vương thành ấy phải được xây dựng từ lòng dân. Vì vậy bậc đế vương cũng như quan quân phải biết gác lại thù riêng, bỏ qua lỗi lầm, lượng thứ quá khứ để cùng phụng sự đất nước. “Chiến tranh, thù hận rồi sẽ qua đi, chỉ còn yêu thương ở lại. Và trên cả là tình dân tộc. Một dân tộc hướng tới tương lai sẽ không còn những nghi kỵ và thù hận” là thông điệp tác giả nhắn nhủ đến bạn đọc của mình cũng như thế hệ trẻ hôm nay.

Kịch bản “Vương hậu” đạt Giải Khuyến khích của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2023. Ở kịch bản này, tác giả đi sâu khai thác thân phận người phụ nữ Việt Nam với cương vị là mẫu nghi thiên hạ, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1596 - 1660). Trịnh Hoàng Hậu là vợ của vua Lê Thần Tông. Lê Thần Tông là vị vua đầu tiên lấy vợ là người Hà Lan, người Hán, người Thái, người Lào…Với cương vị là Vương hậu -  người cai quản hậu cung, bà đã duy trì và cân bằng sự ổn định trong cuộc chiến thê thiếp. Tác giả cho chúng ta thấy rõ vị trí vai trò của bà trong việc giải quyết xung đột chính trị, giữa lợi ích gia đình, lợi ích đất nước bởi những quyết định và cách xử lý của bà ít nhiều sẽ tác động đến triều đình, đến nhà vua và cả quần thần vì “Có nước mới còn nhà. Nhà phải yên thì nước mới vững” và cũng bởi “Ta còn là một người đàn bà nước Việt”.

Kịch bản “Phiên xử trước nhà Thái miếu” (thuộc thể loại kịch dã sử) đạt Giải C của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2021. Kịch bản được cảm tác từ “Tam ngôn” của Phùng Mộng Long và 02 truyện ngắn “Bút máu”, “Chất ngọc” của Vũ Hạnh. Kịch bản là câu chuyện xoay quanh nhân vật Lưu An, một nho sinh cậy tài; may mắn hội ngộ vua khi đi vi hành mà trở thành Tri Châu sự vùng Hải Tây. Y làm nhiều điều ác và giết Huyện lệnh Ngô Nhân cùng những người dám kêu oan cho Huyện lệnh nhưng lại lợi dụng Sử quan Hồ Yên để đổi trắng thay đen. Lúc này ở kinh thành xuất hiện chuyện chữ viết đổi màu mực sang màu máu nên vua sai quan Tư gián điều tra. Qua lời khai của Ngô Thường Xuân (con gái Huyện lệnh), cùng chứng cứ thì mọi việc đã phơi bày. Thông điệp kịch bản được gửi gắm qua “tiếng vọng từ quá khứ đến tương lai, lan sang cả hậu thế về di thể Ngô Nhân, một vị quan liêm khiết đã biến thành chất ngọc, thứ ngọc không tan trong lòng người, thứ ngọc muôn đời tỏa sáng…”.

Thân mời quý độc giả đến tham quan và đọc sách tại Thư viện tỉnh Kiên Giang.

  • Sương