
Vương
quốc Phù Nam – Văn hóa Óc Eo – Kinh đô Na Phất Na
Vào thời Pháp thuộc,
nhà khảo cổ học Louis Malleret (thuộc viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp) đã tiến hành
một cuộc khai quật có ý nghĩa lịch sử tại vùng đất Óc Eo – Ba Thê (nay thuộc
huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Và Loius Malleret đã tìm ra dấu tích của vương
quốc Phù Nam. Ông đã đặt tên cho nền văn hóa của vương quốc này là văn hóa Óc
Eo. Sự bí ẩn của Phù Nam dần lộ diện ra ánh sáng. Từ đây, Louis Malleret đã đặt
nền móng cho những cuộc khảo cổ của các thế hệ sau, khôi phục lại hình dáng của
vương quốc Phù Nam, với một nền văn hóa cổ mang tầm vóc quốc tế – văn hóa Óc
Eo.
Vương quốc Phù Nam là một
vương quốc cổ ở Đông Nam Á, tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công nguyên,
có diện tích bao trùm từ Nam bộ Việt Nam qua Campuchia, Thái Lan, phía nam Lào,
một phần phía đông Myanmar và một phần phía nam Malaysia ngày nay.
Theo quyển sách Na Phất
Na – Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam của nhóm tác giả Đặng
Văn Thắng - Nguyễn Hữu Giềng và Hà Thị Sương, Vương quốc Phù Nam được hình
thành từ các tiểu quốc trong một mạng lưới gọi là mandala, mà tiểu quốc đầu
tiên là Na Phất Na (Nafuna/Naravara-nagara)(vùng đất này ngày nay thuộc thị trấn
Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Từ Na Phất Na phát triển rộng ra hình
thành tiểu quốc "Chinh phục từ đầm lầy" (Đồng Tháp), tiểu quốc Cát
Tiên (Lâm Đồng) và các tiểu quốc khác nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam ngày nay.
Với vai trò quan trọng
về kinh tế và tôn giáo, tiểu quốc Na Phất Na đã từng hai lần trở thành kinh đô
của Vương quốc Phù Nam. Từ nửa cuối thế kỷ I đến đầu thế kỷ III, thời gian khoảng
200 năm, Na Phất Na (Óc Eo) là kinh đô đầu tiên của vương quốc Phù Nam và là
kinh đô lớn nhất của vương quốc Phù Nam (với diện tích 450 ha). Từ năm 550 đến
giữa thế kỷ VII, thời gian khoảng 100 năm, Na Phất Na lại một lần nữa trở thành
nơi ở, cai trị của các vua Phù Nam và là kinh đô cuối cùng của vương quốc Phù
Nam. Tổng cộng có khoảng 300 năm, Na Phất Na (Óc Eo) là kinh đô của vương quốc
Phù Nam.
Về tên gọi Na Phất Na
(Naravara-nagara), có hai văn bia khắc trên đá cho biết tên gọi hai quốc gia:
Kuruumba-nagara và Naravara-nagara. Naravara-nagara được ước đoán là vùng thấp,
ven biển. Theo các nhà nghiên cứu, Naravara-nagara (Na Phất Na) chính là khu vực
có trung tâm là Óc Eo – Ba Thê.
Tiểu quốc (hay kinh đô)
Na Phất Na là vùng trung tâm trong mandala, được xác định là vùng địa lý ở sông
Hậu. Trung tâm là thành phố cảng Óc Eo (nay thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An
Giang), với tiền cảng là di chỉ Nền Chùa (nay thuộc huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên
Giang). Thời bấy giờ, mực nước biển cao hơn hiện tại, Louis Malleret ước đoán
đường bờ biển nằm sát tận tiền cảng Nền Chùa.
Cư
dân văn hóa Óc Eo
Theo quyển sách Di tích
khảo cổ học Nền Chùa do sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang ấn hành năm
2009, bà Émilienne Genet-Varcin - thuộc viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp - cho rằng 6
sọ người tìm thấy ở di tích Trăm Phố (Cạnh Đền, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận)
thuộc tộc người Nguyên Mã Lai (Proto-malais) – giống với loại hình chủng tộc của
những cư dân Thượng nói tiếng Mã Lai – Đa Đảo ở Tây Nguyên.
Quyển sách Na Phất Na –
Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam đã nhận định, Óc Eo - Ba Thê là nơi hội tụ của
nhiều cộng đồng người khác nhau từ vùng cao xuống (di tích An Sơn, Rạch Núi, Gò
Cao Su, Gò Ô Chùa,... thuộc tỉnh Long An ngày nay), từ ven biển - hải đảo vào
(di tích Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Lớn,... nay thuộc huyện Cần Giờ, Thành
phố Hồ Chí Minh). Trong quá trình lao động, sinh sống, họ đã có mối quan hệ,
giao lưu và tiếp thu một cách hài hòa với các nền văn hóa từ bên ngoài, đặc biệt
là từ Ấn Độ, để tạo dựng lên một nền văn hóa có đặc trưng riêng.
Thư tịch cổ phân biệt
rõ Phù Nam với Chân Lạp. Phù Nam là quốc gia ven biển mà trung tâm là vùng Nam
Bộ Việt Nam ngày nay, cư dân chủ thể là người Mã Lai - Đa Đảo. Nước Chân Lạp của
người Khmer, là một thuộc quốc của Phù Nam.
Trung
tâm quyền lực về kinh tế - tôn giáo dạng "đô thị"
Khu di tích Óc Eo - Ba
Thê có diện tích lớn cùng với hệ thống đường nước cổ dẫn đến các khu vực xung
quanh, nhiều kiến trúc đền xây bằng đá, gạch hay sự kết hợp giữa đá và gạch, kiến
trúc nhẹ dựng bằng gỗ có kích thước lớn, nhiều tượng thờ, linh vật thờ, nhiều
di vật đẹp và quý hiếm... đó chính là những biểu hiện cho thấy đây là trung tâm
quyền lực về kinh tế - tôn giáo dạng "đô thị".
Về kinh tế, vùng đất Óc
Eo từng là một cảng thị quốc tế sầm uất, nằm trên con đường giao thương huyết mạch
giữa phương Đông và phương Tây thời cổ đại, hay còn gọi là “con đường gia vị”.
Bởi các yếu tố như kỹ thuật hàng hải, điều kiện tự nhiên đã buộc các thuyền
buôn phải dọc theo con đường bờ biển theo bờ vịnh Bengal, duyên hải Miến Điện,
Thái Lan, Mã Lai băng qua eo biển Malacca giữa Mã Lai, Sumatra phía Bắc Java rồi
đến Campuchia và Việt Nam trước khi đi Quảng Châu, Phúc Châu, Nagasaki.
Về tôn giáo, trong quá
trình Ấn Độ hóa, niềm tin vào các vị thần Ấn giáo ngự trị, với nhiều tượng
Vishnu, Shiva, Brahma, hay các hình tượng liên quan đến "Tam vị nhất thể"
thể hiện trên Linga-Yoni, Nandin, Garuda, Hari-Hara, Surya, Ganesa,... Tồn tại
song song với Ấn giáo là Phật Giáo. Phật giáo được du nhập vào đây ở cả hai dạng
Tiểu Thừa và, sau đó là Đại Thừa.
Từ khi được phát hiện
cho đến nay, nhiều cuộc khai quật các di chỉ thuộc nền văn hóa Óc Eo đã diễn ra
trên khắp đồng bằng Nam Bộ. Các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều loại hình di
tích, di chỉ như: di tích kiến trúc, di chỉ cư trú, di chỉ xưởng; nhiều di vật
có giá trị như: tượng thờ, đồ gốm, đồ trang sức, vàng lá, con dấu,…
Về di tích kiến trúc, nền
văn hóa Óc Eo chỉ còn 03 đền tháp tồn tại. Ở miền Tây Nam Bộ, duy nhất một đền
thờ Óc Eo đứng vững đến ngày nay, đó là tháp Vĩnh Hưng (Bạc Liêu). Tại Tây Ninh
còn bảo tồn hai tháp cổ thời Hậu Óc Eo là tháp Chót Mạt và tháp Bình Thạnh.
Các nhà khảo cổ cũng đã
phát hiện phế tích các đền thờ có quy mô lớn như: đền thần Shiva Gò Cây Trôm, đền
thần Mặt trời Surya Gò Cây Thị, đền thờ bộ ba vị thần Brahma-Vishnu-Shiva Gò Út
Trạnh (Óc Eo – An Giang),... Tại di tích Nền Chùa (Kiên Giang) cũng phát hiện
các phế tích đền thần, bên cạnh đó còn phát hiện một loại di tích gọi là Ao Thần
(Brahma Kund/Stepped Pond) để trữ nước phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo và
sinh hoạt cho người dân.
Chính nhờ vị trí một
trung tâm kinh tế - tôn giáo, đời sống vật chất và tinh thần cư dân văn hóa Óc
Eo rất phong phú. Cảng thị Óc Eo hình thành từ một xã hội nông nghiệp lúa nước.
Các dấu tích đường nước cổ tạo thành một mạng lưới chằng chịt hình nan hoa, nối
liền cảng thị Óc Eo và tiền cảng Nền Chùa, mục đích chính là để phục vụ nông
nghiệp và giao thông đường thủy. Vì tính quan trọng của đường thủy, Cư dân văn
hóa Óc Eo chủ yếu sinh sống trên nhà sàn dọc các kênh rạch. Họ chăn nuôi các loại
gia súc, gia cầm. Voi được thuần phục để phục vụ cho hoàng gia Phù Nam, như
trong Nam Sử của Trung Hoa đã đề cập tới: “Vua nước họ đi đâu cũng cưỡi voi;
cung tần, kẻ hầu đều cưỡi voi”.
Cư dân văn hóa Óc Eo có
nền thủ công nghiệp phát triển với nhiều ngành nghề như: làm đồ gốm, gạch,
ngói; nghề mộc, đóng thuyền; nghề dệt; nghề điêu khắc tượng gỗ và tượng đá; nghề
luyện kim và làm đồ trang sức. Nhiều di chỉ xưởng chế tác của cư dân văn hóa Óc
Eo đã được tìm thấy như: xưởng chế tác tượng Phật bằng gỗ ở di tích Gò Tháp (Đồng
Tháp), xưởng chế tác trang sức ở di tích Nhơn Thành (Cần Thơ), lò gốm ở di tích
Nền Vua (Kiên Giang).
Trong đó, nghề điêu khắc
đã giúp họ tạo nên những kiệt tác tượng thờ Ấn giáo và Phật giáo, còn nghề luyện
kim và làm đồ trang sức đã đóng góp một phần không hề nhỏ cho sự giao thương quốc
tế: trang sức bằng vàng và các loại đá như thạch anh/mã não/thủy tinh có lẽ là
một sản thương mại nổi tiếng tại cảng thị Óc Eo của kinh đô Na Phất Na, vương
quốc Phù Nam.
Phù Nam cũng khẳng định
vị thế của mình bằng việc đúc tiền để phục vụ giao thương trong và ngoài nước.
Đồng tiền bạc Phù Nam được tìm thấy ở Óc Eo, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và cả
ở bán đảo Mã Lai.
Minh chứng cho sự giao
thương rộng rãi với quốc tế, tại Óc Eo cũng như Nền Chùa, các nhà khảo cổ đã
phát hiện các di vật có nguồn gốc từ nước ngoài: với chất liệu kim loại, có tiền
và huy chương bằng vàng La Mã, đèn đồng Ba Tư, gương đồng thời Hán,… với chất
liệu gốm, có gốm La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc, vùng Tây Á…
Sự
suy tàn của vương quốc Phù Nam
Nước Phù Nam, với nền
văn hóa Óc Eo rực rỡ, chính thức biến mất khỏi bản đồ thế giới vào thế kỷ VII
sau Công Nguyên. Cho đến nay, sự biến mất của Phù Nam vẫn còn là điều bí ẩn.
Theo góc độ lịch sử, một
thư tịch cổ Trung Hoa là Tùy thư đã chép rằng: “Nước Chân Lạp ở về phía Tây Nam
nước Lâm Ấp, nguyên là một chư hầu của Phù Nam. Vua nước ấy là Ksatriya
Citrasena đánh chiếm và tiêu diệt Phù Nam.”
Tuy nhiên, đây không phải
lý do duy nhất khiến Phù Nam sụp đổ. Quyển sách Na Phất Na – Kinh đô đầu tiên
và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam đã dẫn lại những lý giải của Giáo sư Phan
Huy Lê về sự suy yếu và sụp đổ của nước Phù Nam:
- Do quan hệ thần phục lỏng lẽo nên mỗi
khi các nước thành viên phát triển và lớn mạnh thì các mâu thuẫn trong nội bộ đế
chế sẽ phát sinh và làm suy yếu đế chế.
- Do sự phát triển của nghề hàng hải và
kinh tế các nước trong khu vực Đông Nam Á lục địa và hải đảo, hải trình qua eo
biển Kra chuyển dần xuống phía Nam qua eo biển Malacca (Maleka) và Sunda.
- Theo một số nhà địa chất học, trong giai
đoạn Holocen muộn, có một đợt biển tiến quy mô nhỏ ở Đồng bằng Nam Bộ, gọi là
biển tiến Holocen IV. Nếu đợt biển tiến này được xác nhận thì đây cũng là một
nhân tố thiên nhiên ảnh hưởng đến sự tồn vong của nước Phù Nam.
Các lớp gạch tại phế
tích đền thờ Gò Cây Thị có thể ẩn chứa manh mối về sự sụp đổ của Phù Nam. Mùa nắng,
tại đây, các lớp gạch xuất hiện muối kết tủa trắng cả bề mặt. Cùng dữ kiện về đợt
biển tiến Holocen IV, các nhà khảo cổ đã nhận định rằng đợt biển tiến này đã âm
thầm nhấn chìm cảng thị Óc Eo, toàn bộ kiến trúc đền tháp Gò Cây Thị cũng chìm
trong biển nước. Cư dân Óc Eo phải di cư lên những khu vực cao hơn để rồi hòa
tan vào các sắc tộc khác. Trong thời gian này, toàn bộ vùng cảng thị bị nước biển
phá hủy hoàn toàn. Đến thời biển thoái tiếp sau đó, hoạt động bồi lắng phù sa mới
trên vùng đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra, để mảnh đất phương Nam kéo dài đến
mũi Cà Mau có được dáng hình như ngày hôm nay.
Và rồi vương quốc Phù
Nam biến mất, quá khứ vàng son của một vương quốc cổ từng phát triển thịnh vượng
với cảng thị Óc Eo bị chôn vùi…
Để rồi ngàn năm sau, hậu
thế với tấm lòng hiếu cổ đã mang dáng hình của một vương quốc cổ ra ánh sáng, với
công lao ban đầu của các học giả từ viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Sau đó là các
nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ Việt Nam, đã tiếp nối, gìn giữ những
dấu tích còn lại của một vương quốc với tên gọi Phù Nam, với nền văn hóa Óc Eo
rực rỡ. Các di tích, hiện vật văn hóa Óc Eo được gìn giữ, bảo tồn, và khẳng định
sự quý giá khi được công nhận là di tích quốc gia, bảo vật quốc gia. Bằng sự nỗ
lực và vun đắp của nhiều thế hệ, Tháng 01/2022, UNESCO chính thức đưa Khu di
tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê vào danh sách dự kiến xây dựng hồ sơ đề cử Di sản
Văn hóa thế giới.
Những
quyển sách về Văn hóa Óc Eo mà Thư viện tỉnh Kiên Giang đang trưng bày và phục
vụ:
Khảo cổ học Đồng
bằng sông Mê Kông, tập II: Văn minh vật chất Óc Eo –
Louis Malleret – Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp – NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí
Minh (2021).
Khảo cổ học Đồng
bằng sông Mê Kông, tập III: Văn minh Phù Nam – Louis
Malleret – Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp – NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
(2023).
Di tích khảo cổ học Nền
Chùa
– Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang (2009).
Di tích khảo
cổ học Giồng Xoài –
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang (2009).
Di tích khảo
cổ học thời văn hóa Óc Eo –
hậu Óc Eo trên đất An Giang – Phạm Đức Mạnh chủ biên – NXB Đại học Quốc gia
TP.HCM (2019).
Na Phất Na –
Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của vương quốc Phù Nam – Đặng Văn Thắng, Nguyễn Hữu Giềng & Hà Thị
Sương – NXB Đại học Quốc gia TP.HCM (2022).
Gốm cổ Óc
Eo – bí ẩn từ lòng đất – Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo
tỉnh An Giang (2018).
Lược sử vùng
đất Nam Bộ Việt Nam – GS.TSKH
Vũ Minh Giang (Chủ biên) – NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2019).
Hỏi đáp về lịch
sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam – GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
(chủ biên) - NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2019).