Giới thiệu quyển sách: Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều

  • 23/01/2025
  • 24
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe



Tìm hiểu Nguyễn Du và truyện Kiều  Nguyễn Quảng Tuân. - H : Khoa học xã hội, 2000. 490tr; 19cm.

Quý độc giả thân mến! Trong chương trình học phổ thông, hầu hết học sinh đều đã được học về đại thi hào Nguyễn Du và các tác phẩm nổi tiếng của ông, trong đó tiêu biểu nhất là Truyện Kiều. Có nhiều nhà văn, nhà thơ, tác giả hậu thế đã nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du, trong đó có tác giả Nguyễn Quảng Tuân. Quyển sách Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều là tập hợp nhiều bài viết, công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Quảng Tuân, đã được đăng trên nhiều tạp chí như Tạp chí Hán-Nôm, Tạp chí Văn học, Tập san Kiến thức ngày nay, Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam…nhằm giúp độc giả có góc nhìn đa chiều, sâu sắc hơn về cuộc đời của Nguyễn Du và tác phẩm bất hủ Truyện Kiều. Sách dày 490 trang, in trên khổ 19 cm,  do Nhà xuất bản Khoa học xã hội  - Trung tâm nghiên cứu Quốc học,  phát hành năm 2020.

Theo quyển sách, Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 đời vua Lê Hiển Tông. Vì gia phả không ghi ngày tháng sinh nên các sách báo trước đây đổi ra ngày Dương lịch là năm 1765. Gia phả cũng không ghi rõ ông sinh ở đâu nhưng có thể ông đã được sinh ra ở Thăng Long vì khi đó thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm đang làm quan ở kinh đô. Quê mẹ của ông ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, ông được sống trong cảnh giàu sang và đã được cho đi học từ lúc 6 tuổi. Tuy nhiên, đến năm 13 tuổi thì ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải về sống với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản.

Thời đại Nguyễn Du sống, có nhiều binh biến, nội chiến liên miên giữa vua Lê-chúa Trịnh, triều Tây Sơn, triều Nguyễn…Nguyễn Du thường làm thơ để than thở cảnh ngộ của mình chưa làm nên danh vọng gì mà người đã suy yếu, sinh kế cùng quẫn, nghề văn nghề võ cũng không thành. Ông vẫn quyết chí khôi phục nhà Lê chứ không theo nhà Tây Sơn. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, Nguyễn Du được mời ra làm quan cao (giữ chức Đông Các học sĩ) nhưng trong lòng ông không muốn. Năm 1813, ông được thăng chức và được cử làm Chánh sử đi Trung Quốc để tuế cống nhà Thanh. Trên đường đi sứ, ông có dịp ghé thăm Thăng Long, vô tình gặp lại người ca kỹ xưa nên đã làm bài Long thành cầm giả ca để ghi lại cảm xúc trước sự thay đổi của đời người ca kỹ. Ông còn đau lòng trước cảnh đổi thay của thành Thăng Long nên đã viết bài Thăng Long hoài cổ để ghi nhớ sự đổi thay của thời thế, triều đại.

Trong 14 tháng đi sứ này, ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ (87 bài), trong đó có những bài nổi tiếng. Ông mượn các di tích lịch sử, các nhân vật bên Trung Quốc để phê bình gián tiếp những việc trong nước, những nhân vật trong nước. Nguyễn Du còn nói đến cái khổ của người phụ nữ mà theo ông không có cái khổ nào bằng cái khổ của người phụ nữ phải chịu đem cái thân mình làm trò chơi cho thiên hạ. Dường như thông cảm đến cái khổ ấy một cách sâu sắc nên khi Nguyễn Du bắt gặp được Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ông liền thương ngay đến thân phận nàng Kiều nên khi về nước đã viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm bất hủ. Ông muốn lấy quyển truyện ấy để chỉ trích bọn quan lại tham nhũng:

Một ngày lạ thói sai nha,

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

Ông cũng chống lại chế độ phong kiến đã chà đạp lên thân phận của người phụ nữ trong thời đại ông:

Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Nguyễn Du khi về tới kinh thành, tâu bày mọi việc đi sứ, thì được về nghỉ sáu tháng ở quê nhà. Có thể trong thời gian này ông đã viết quyển Đoạn trường tân thanh mà ta quen gọi là Truyện Kiều như Đại Nam chính biên liệt truyện đã ghi chép: “Nguyễn Du sở trường về thơ chữ Hán lại giỏi về thơ quốc âm, khi đi sứ nhà Thanh về có Bắc hành thi tập và truyện Thúy Kiều ra đời”.

Vua Gia Long rất trọng dụng ông, cho thăng chức Á khanh, nhưng ông vẫn sợ người đời đố kỵ nên chỉ biết làm hết bổn phận chứ không tâu bày gì. Vua Gia Long có lần đã quở trách ông rằng: “Nhà nước dùng người, cứ ai hiền tài thì dùng, không phân biệt gì Nam với Bắc cả. Nhà ngươi đã làm quan đến chức Á khanh, biết việc gì phải nói để tỏ cái chức của mình, lẽ đâu lại cứ rụt rè sợ hãi, chỉ vâng vâng dạ dạ hay sao?”. Điều này chứng tỏ thái độ bất đắc dĩ của Nguyễn Du khi làm quan nhà Nguyễn.

Đời Minh Mạng, lại cử Nguyễn Du đi sứ sang nhà Thanh để cầu phong, nhưng chưa kịp đi thì Nguyễn Du mất, thọ 56 tuổi. Vua Minh Mạng và các quan trong triều đều thương tiếc ông, đã có nhiều câu đối thương vinh danh, trong đó có câu nổi tiếng:        Nhất đại tài hoa vi sứ vi khanh sinh bất thiểm;

            Bách niên sự nghiệp tại gia tại quốc tử do vinh.

(Khi còn sống, một kiếp tài hoa đi sứ làm quan đều chẳng thẹn.
          Lúc mất rồi, trăm năm sự nghiệp với nhà với nước mãi còn vinh).

Các tác phẩm của Nguyễn Du để lại gồm có: Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, Văn tế thập loại chúng sinh (Chiêu hồn) và Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều).

Trong số đó, Truyện Kiều được xem là tác phẩm đỉnh cao trong văn học nước nhà, khẳng định tài hoa văn chương và đưa Nguyễn Du trở thành đại thi hào của Việt Nam. Truyện Kiều được Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm và đã được phiên âm sang chữ Quốc ngữ. Trương Vĩnh Ký được xem là người đầu tiên phiên âm Truyện Kiều sang chữ Quốc ngữ vào năm 1875.

Truyện Kiều được rất nhiều nhà nghiên cứu trong nước và các nhà Việt Nam học nước ngoài nghiên cứu, phê bình. Trong số đó đáng kể là Lưu Thế Đức và Lý Tu Chương (Trung Quốc) đã có những nhận xét xác đáng: “Trong Truyện Kiều dài trên 3000 câu, nhà thơ Nguyễn Du đã vận dụng hình thức thơ lục bát một cách nhuần nhuyễn. Cả tập thơ viết một mạch từ đầu đến cuối, có tung có hứng, lưu loát tự nhiên. Sự xuất hiện của Truyện Kiều chứng tỏ nghệ thuật của thể thơ lục bát trong thi ca cổ điển Việt Nam đã đạt tới đỉnh cao của sự tuyệt mỹ và hoàn chỉnh”.

Đọc quyển sách này, độc giả sẽ thấy được sự công phu, miệt mài, đam mê nghiên cứu về Truyện Kiều từ rất nhiều nguồn tư liệu khác nhau trong và ngoài nước. Tác giả đã dành 50 năm để nghiên cứu các văn bản Truyện Kiều và các tư liệu về Nguyễn Du, không ngừng bổ sung, điều chỉnh kiến thức của mình, tiếp thu, nghiền ngẫm, thảo luận, thậm chí là tranh luận với các học giả khác để đưa ra cái nhìn toàn vẹn, đúng đắn, khách quan nhất về Truyện Kiều. Chính vì vậy, khi đọc quyển sách Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều, chắc hẳn quý độc giả sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị về cuộc đời của đại thi hào Nguyễn Du và những kiến thức về văn chương, văn hóa, triết lý sống… được rút ra từ thi phẩm Truyện Kiều bất hủ.

Quyển sách hấp dẫn Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều đang được trưng bày tại Thư viện tỉnh Kiên Giang, kính mời quý độc giả đến tham quan và tìm đọc./.

  • Tú Mi