Giới thiệu sách: Hồ Chí Minh bàn về phong cách

  • 16/05/2025
  • 15
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe



    Hồ Chí Minh bàn về phong cách Tuyển chọn: Vũ Tình…. .- Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ , 2019

    Quý độc giả thân mến! Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam mà còn là tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức và phong cách sống mẫu mực. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc tìm hiểu về phong cách của Người trở nên cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Cuốn sách “Hồ Chí Minh bàn về phong cách”, do Vũ Tình, Phạm Văn Tuân và Lê Thị Nhung tuyển chọn, là một tài liệu góp phần làm sáng rõ những nét đặc sắc trong phong cách quần chúng, phong cách dân chủ và phong cách nêu gương của Bác.

    Quyển sách Hồ Chí Minh bàn về phong cách dày 52 trang, in trên khổ 21cm, do nhà xuất bản Trẻ chắt lọc những bài phát biểu, những bài viết về phong cách quần chúng, phong cách dân chủ và phong cách nêu gương của Người để độc giả dễ tiếp cận hơn với tư tưởng Hồ Chí Minh về những nội dung này. Cuốn sách giới thiệu các câu nói, đoạn trích, phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, phong cách dân chủ và phong cách nêu gương.

    Quý độc giả thân mến! Bác Hồ kính yêu của chúng ta không chỉ nổi bật bởi trí tuệ, lòng yêu nước, mà còn bởi phong cách sống và làm việc giàu tính nhân văn, giản dị và sâu sắc. Trong số những phong cách đặc sắc đó, phong cách quần chúng, phong cách dân chủ và phong cách nêu gương của Bác là ba phương diện tiêu biểu, tạo nên một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cho các thế hệ sau noi theo.

    Trước hết, là phong cách quần chúng: Một trong những nội dung đặc sắc nhất, phong cách này của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ ở sự gần gũi, gắn bó máu thịt với nhân dân. Người luôn quan niệm “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Dù là Chủ tịch nước, Bác vẫn giữ lối sống giản dị, thường xuyên xuống cơ sở để thăm hỏi, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Chính vì vậy, Bác được nhân dân yêu mến, kính trọng không chỉ vì cương vị lãnh đạo mà còn vì tình cảm chân thành, sự quan tâm sâu sắc đối với đời sống của họ.

    Tiếp theo, phong cách dân chủ của Bác được thể hiện ở thái độ tôn trọng ý kiến tập thể, đề cao tinh thần lắng nghe và khuyến khích tự do tư tưởng trong công việc. Trong mọi quyết định, Hồ Chí Minh luôn tham khảo ý kiến đồng chí, đồng bào, không bao giờ áp đặt hay độc đoán. Người khẳng định rằng: “Dân chủ là để cho dân mở miệng”, và dân chủ phải gắn liền với kỷ luật, trách nhiệm. Chính nhờ phong cách dân chủ này mà Bác đã tập hợp và phát huy được sức mạnh toàn dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.

    Cuối cùng, phong cách nêu gương là điểm sáng nổi bật trong đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn nhấn mạnh rằng: “Muốn người ta theo mình thì mình phải làm gương trước”. Từ cách ăn mặc giản dị, lối sống cần, kiệm, liêm, chính, đến tinh thần tự học, làm việc hăng say, tất cả đều là những minh chứng cụ thể cho tinh thần nêu gương của Bác. Không chỉ nói, Bác luôn là người tiên phong trong hành động – điều này tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy niềm tin và sự tự giác của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.

    Ba phong cách: quần chúng, dân chủ và nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện tư tưởng sâu sắc, đạo đức mẫu mực mà còn là những bài học quý báu trong công tác lãnh đạo, quản lý và rèn luyện đạo đức cách mạng ngày nay. Trong thời đại mới, học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh chính là cách tốt nhất để mỗi người góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

    Với nội dung sâu sắc, dễ hiểu và giàu tính định hướng, cuốn sách Hồ Chí Minh bàn về phong cách không chỉ giúp người đọc hiểu thêm về Hồ Chí Minh mà còn là kim chỉ nam trong việc rèn luyện bản thân, nâng cao đạo đức, lối sống trong thời đại mới. Sách hiện đang trưng bày và phục vụ tại Thư viện tỉnh Kiên Giang. Kính mời quý độc giả đến tham quan và tìm đọc.

  • Tuyết Trân