
Người cha thân yêu tập hồi ức Nhiều tác giả. - In lần thứ hai, có
sửa chữa bổ sung. - H : Quân đội nhân dân, 2008. 226tr; 21cm.
Quý độc giả thân mến! Bác Hồ dành sự quan tâm chăm sóc
đặc biệt đối với lực lượng vũ trang ngay từ buổi đầu thành lập. Những lời dạy bảo
ân cần, sâu sắc của Bác mãi mãi là những bài học quý giá, trở thành bản chất,
truyền thống vô cùng tốt đẹp của lực lượng vũ trang, là nguồn sức mạnh cổ vũ mỗi
cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên bước đường đi tới. Những kỷ niệm về Bác mãi mãi
khắc sâu trong tâm trí của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta, đặc biệt là đối với
những người từng sống, chiến đấu, từng gặp gỡ Bác. Người cha thân yêu là
một tập hồi ức của nhiều cán bộ quân đội, viết về những lần vinh dự được gặp Bác
kính yêu trong quá trình công tác của mình, thể hiện tình cảm thiêng nhất của mọi
cán bộ, chiến sĩ đối với người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân. Sách
dày 226 trang, in trên khổ 21 cm, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành
năm 2008.
Thượng tướng Đào Đình Luyện, nguyên là Tổng Tham
mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông đã có
nhiều công lao cống hiến cho quân đội và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Qua câu
chuyện Những kỷ niệm không phai mờ, ông đã kể lại những tình cảm của mình
trong những năm tháng chiến đấu, được vinh dự gặp Bác Hồ nhiều lần. Tác giả kể
lại, một sáng mùa đông ngày 09/11/1964, Bác đến sân bay của trung đoàn không quân
cùng với đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Trường Chinh. Tuy sau này, tác giả được
nhiều lần gặp Bác, nhưng ấn tượng lần đầu gặp Bác ấy không thể nào phai mờ. Bác
xuất hiện với bộ ka ki bạc màu, mái tóc và chòm râu bạc phơ, nụ cười rạng rỡ, đi
trong nắng vàng trên sân bay lộng gió, tay giơ cao chiếc mũ vẫy chào bộ đội. Ở Người
có cái gì như siêu phàm, thoát tục, cái mà chúng ta không thể với tới được. Nhưng
ở Người cũng có tất cả những gì rất gần gũi, thân thiết, ruột rà, có thể ví với
tình cha con, ông cháu. Chiều hôm đó, Bác đã nói: “Tổ tiên ta từ xa đã có những
chiến công oanh liệt, trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ có
Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa…Ngày nay, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng
lợi, trách nhiệm ấy trước hết là của các chú…”. Khi nhận được tin chiến thắng
của trung đoàn, Bác đã gửi thư khen: “Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, tiêu
diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện khẩu hiệu “Đã đánh là thắng”. Như vậy là
xứng đáng với truyền thống anh húng của quân và dân ta. Bác gửi lời khen ngợi các
chú và nhắc nhủ các chú phải luôn luôn:
- “Nâng cao tinh thần “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm
lược”. Thắng không kiêu, khó không nản.
- Ra sức rèn luyện để tiến bộ mãi mãi…”
Đến tháng 12/1966, Bác đã cho mời những chiến sĩ lái máy
bay có thành tích bắn rơi máy bay Mỹ, lên gặp Bác. Bác nhớ tên từng chiến sĩ một,
đồng thời ân cần thăm hỏi quê quán, gia đình của từng cán bộ đạt thành tích, như
sự quan tâm của người cha đối với con. Bác căn dặn: “Các chú cứ bắn rơi nhiều
máy bay là Bác vui, Bác khoẻ”. Bác thường xuyên gọi điện hỏi thăm bộ đội không
quân. Khi mùa hè, Bác hỏi: “Đi chiến đấu về mệt có ăn được cơm không?”; khi
mùa đông, Bác lại hỏi: “Trực chiến ở ngoài sân bay có lạnh không?”.
Giáo sư,
viện sĩ, anh hùng lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa,
là một người tài đức, vẹn toàn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, người có công lớn trong việc gây dựng nền quân giới, chế tạo vũ khí, góp
phần đặc biệt quan trọng vào thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân, đế
quốc. Nhờ những thành tích vượt trội trong học tập, chàng thanh niên Phạm Quang Lễ (tên thật của Giáo sư Trần Đại Nghĩa)
được nhiều công ty mời về làm việc. Ông từng từng làm việc cho ba công ty chế
tạo máy bay của Pháp. Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc năm 1945,
ông đảm nhiệm vai trò thiết kế trưởng của hãng chế tạo máy bay Nord Aviation
với mức lương rất cao. Cũng ở môi trường làm việc thuận lợi này, Phạm Quang Lễ
có nhiều điều kiện để học tập, nâng cao hiểu biết, rèn luyện tay nghề về khoa
học chế tạo vũ khí, thuốc súng. Trong câu chuyện Nhớ lại một chặng đường,
Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã kể lại nhiều câu chuyện xúc động về Bác Hồ. Tác giả kể
lại, tháng 7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp và cho mời đoàn đại biểu Việt
kiều, trong đó có Phạm Quang Lễ. Bác nói riêng với ông: “Bác về nước, chú chuẩn
bị về với Bác, hai ngày nữa ta lên đường”. Chuyến đi về bằng tàu biển, rất vất
vả, lênh đênh suốt 40 ngày, nhưng đó là những kỷ niệm sâu sắc của chàng kỹ sư yêu
nước Phạm Quang Lễ. Thời gian đó cũng là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của
anh, vì anh đã được dự một lớp học chính trị đặc biệt do Bác hướng dẫn. Tác giả
kể lại hai câu hỏi quan trọng nhất mà Bác đã nói.
Câu thứ
nhất: “Ở nhà cực khổ lắm, chú về có chịu được không”. Phạm Quang Lễ thưa
với Bác là mình chịu nổi.
Câu thứ
hai: “Bây giờ ở nhà kỹ sư, công nhân về vũ khí không có, máy móc thiếu, liệu
chú có làm được việc không?”. Phạm Quang Lễ đáp rằng đã chuẩn bị suốt mười
một năm rồi và tin chắc sẽ làm được.
Vừa về nước
thì Phạm Quang Lễ được giao ngay nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo vũ khí để đánh địch
vì tình hình trong nước đang rất căng thẳng. Đến ngày 05/12/1946, tức là chỉ
khoảng 5 tháng sau khi về nước cùng với Bác, Phạm Quang Lễ đã được Bác gọi lên
Bắc Bộ Phủ. Vừa thân mật, vừa trang nghiêm, Bác nói: “Kháng chiến sắp đến nơi
rồi, bữa nay tôi gọi chú lại để giao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân
giới”. Nghe xong, chàng thanh niên Phạm Quang Lễ rất xúc động trước sự quan
tâm đặc biệt của Bác, được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ to lớn và vinh quang. Tiếp
theo, Bác lại bảo: “Kể từ nay, tôi đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa để giữ bí mật
cho chú và bảo vệ cho gia đình bà con chú ở trong Nam”. Bác lại truyền đạt
những kinh nghiệm về chiến tranh thế giới và nói rằng: “Tôi chắc chú sẽ làm
tròn nhiệm vụ”. Với tài năng đặc biệt và niềm tin theo Bác, theo Đảng, chàng
kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã chế tạo, cải tiến và sản xuất hàng loạt loại vũ khí, đạn,
góp phần quan trọng để quân dân ta chiến thắng quân Pháp, Mỹ xâm lược.
Quyển sách
còn rất nhiều hồi ức quý báu của các tướng lĩnh quân đội, các cán bộ, chiến sĩ,
thể hiện tình cảm đặc biệt của mình đối với Người Cha vĩ đại của cán bộ, chiến
sĩ và nhân dân ta. Tập hồi ức Người cha thân yêu đang được trưng
bày và giới thiệu tại Thư viện tỉnh Kiên Giang, kính mời quý độc giả đến tham
quan và tìm đọc./.