
Kiếm
sống Macxim Gorki; Thanh Nam,... dịch.
- H : Văn học, 2017. 516tr; 21cm.
Quý độc giả
thân mến! Đại văn hào Macxim Gorky (1868- 1936) tên thật là Aleksey Maksimovich
Peshkov, là nhà văn kiệt xuất của văn học nước Nga thế kỷ 20 và được xem là người
khai sinh ra nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Khi lên mười
tuổi, ông đã mất cả cha lẫn mẹ, phải lang thang làm nhiều nghề để kiểm sống
như: đi ở, làm đầu bếp, làm tượng Thánh…Ông đã chu du khắp nước Nga và nhiều nước
khác, cùng sống và làm việc với những người lao động nghèo khổ và đam mê đọc
sách từ bé. Ông là bạn thân của đại văn hào Nga Lev Tolstoy và lãnh tụ Liên Xô
V.I. Lenin. Những tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như: tiểu thuyết Người mẹ, Cuộc đời Klim Xamghin, vở kịch Dưới
đáy, bộ ba tiểu thuyết tự thuật Thời
thơ ấu, Kiếm sống, Các trường đại học của tôi…
Kiếm sống là phần hai trong bộ ba tác phẩm
tự thuật của Macxim Gorky, kể lại thời
niên thiếu của cậu bé Alyosha Peskov (tức Gorky) từ lúc 10 tuổi đến 16 tuổi. Chỉ
vài ngày sau khi mẹ cậu bé Alyosha được chôn cất xong, ông ngoại cậu đã nói: “Này, Leksei mày không phải là cái mề đay,
mày không thể lủng lẳng mãi trên cổ tao, mày hãy đi ra đời mà kiếm sống”.
Thế là cậu bé Alyosha đã bước vào đời. Sách dày 516 trang, in trên khổ 21cm, do
Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2017.
Mới mười tuổi đầu, cậu bé Alyosha đã đi ở đợ để
tự lo bản thân mình, trải qua đủ mọi khó khăn trong cuộc đời. Cậu gặp đủ thứ hạng
người trong xã hội Nga lúc bấy giờ. Cậu va chạm với sự hèn hạ, tồi tệ của bọn
“tiểu thị dân”, những kẻ luôn tự cho mình là giỏi nhất thành phố. Họ làm ra vẻ
trang trọng bề ngoài nhưng bên trong lại là những kẻ keo kiệt, hung dữ như lão
Kashmirin; ích kỷ và độc ác như bà lão Matryona…Cậu càng thấy rõ mặt trái của
cuộc sống, thấy những sự nhục mạ nhân cách, những bế tắc trong xã hội, lao động
khổ sai và vô nghĩa. Tưởng chừng như Alyosha vĩnh viễn bị lôi cuốn vào cuộc sống
buồn tẻ, khổ sở ấy mà không thể nào thoát ra được, một cuộc đời tăm tối, không
có tương lai tốt đẹp… Nhưng cậu còn chút may mắn vì có một người bà, dù không
thể chăm sóc cậu nhưng thỉnh thoảng cho cậu những lời khuyên tốt đẹp. Bà cậu
nói rằng “Mọi việc đều phải tự mình trải
qua, tự mình tìm hiểu, cháu ạ… Tự mình không chịu học hỏi thì chẳng có ai dạy
được cho mình đâu”. “Người nào cũng có trí khôn cả, phải tự biết được ma quỷ
lôi cuốn mình về phía nào…”
Tuy
cuộc sống rất khó khăn, nhưng cậu bé Alyosha đã dần tiếp cận được với một “người
bạn” đặc biệt, đã giúp cậu tư duy, có niềm tin vào cuộc sống và con người, đó
chính là sách vở. Cậu luôn tranh thủ mượn sách của những người mà cậu thích và
đọc say mê các tác phẩm của các nhà văn Nga ưu tú và các tác giả nước ngoài nổi
tiếng như Walter Scott, Dickens… Sách đã mở ra cho cậu bé Alyosha một chân trời
mới, giúp cậu tiếp xúc với những tư tưởng lớn, biết đến những nơi mà cậu chưa từng
đến. Càng đọc nhiều sách, cậu bé Alyosha càng thấy
được tương lai sáng sủa hơn, có niềm tin hơn, thấy cuộc sống mình có ý nghĩa
hơn. Sau này, Gorky đã nhớ lại: “Sách vở
đã chỉ cho tôi chỗ đứng của mình trong cuộc sống, nói cho tôi biết rằng con người
thật vĩ đại và đẹp đẽ, luôn hướng về cái tốt đẹp hơn”.
Cùng sống, cùng lao
động với những người lao động nghèo cũng giúp cậu bé Alyosha gặp gỡ được những người tốt đẹp, cho cậu những lời khuyên
hay, những vẻ đẹp trong tâm hồn của họ. Dù đối mặt với hiện thực khó khăn, những
điều nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng cũng còn rất nhiều người giữ được tâm hồn tốt
đẹp, vững tin vào xã hội, họ cho rằng“Không
thể nào làm bực tức tâm hồn. Những chuyện bên ngoài không sao chạm được đến tâm
hồn. Không có gì có thể chạm đến tâm hồn của con người cả”.
Tác phẩm Kiếm sống kết
thúc bằng những trăn trở, suy nghĩ của cậu thiếu niên Alyosha mười sáu tuổi: “Ta phải làm được một việc gì chứ, nếu
không thì ta sẽ sống vô ích”.
Kính mời quý độc giả
tìm đọc quyển sách bất hủ Kiếm sống của đại văn hào Macxim
Gorky. Sách hiện đang được trưng bày tại Thư viện tỉnh Kiên Giang./.